Chi tiết bài viết
Tóm tắt nội dung
Đối với nhiều bạn trẻ, có lẽ công việc mà chúng ta vẫn mơ ước là vừa được chơi game mà vẫn có thể kiếm được tiền. Còn gì tuyệt vời hơn là vừa được chơi game, vừa tìm lỗi để giúp game hoàn thiện hơn và được nhận tiền. Đó chính là công việc mà game tester vẫn đang làm hằng ngày. Nhiệm vụ của họ liệu có phải chỉ đơn thuần như chúng ta vẫn đơn thuần nghĩ: chơi game và kiếm tiền? Và một game tester cần có kỹ năng gì để nâng cao vai trò trong 1 dự án. Tất cả những thông tin trên sẽ được Daotaotester trình bày ở bài viết dưới đây!
Game tester là gì?
Trên thực tế game tester là khái niệm khá mới ở Việt Nam, kể cả những người làm ở trong ngành kiểm thử phần mềm chắc hẳn sẽ chỉ quen với khái niệm fresher tester, junior tester, senior… vậy thực chất game tester là gì?
Hiểu một cách đơn giản, game tester cũng là một nhân viên kiểm thử thế nhưng đối tượng kiểm thử của họ không phải là các phần mềm, ứng dụng, website mà chỉ là có các chương trình game mà thôi. Những người này sẽ là những người đầu tiên được chơi thử trò chơi ở phiên bản beta và tìm ra các vấn đề kỹ thuật trước khi game được phát hành ra thị trường.
Không như những game thủ thông thường, thích chơi game gì thì chơi, chơi lúc nào cũng được. Game tester sẽ phải sẽ chơi từ đầu đến cuối game, ở tất cả các cấp độ từ cơ bản đến nâng cao trong nhiều lần. Trò chơi phải được trải nghiệm trên đa dạng các thiết bị khác nhau từ máy tính, điện thoại, Xbox, Playstation… điều này đòi hỏi game tester phải có khả năng thích ứng với các thiết bị công nghệ.
Nhiệm vụ và vai trò mà game tester phải đảm nhiệm
Bản chất công việc của game tester là trải nghiệm toàn bộ và tìm ra những lỗi còn đang tồn đọng của game. Khi tiếp nhận phiên bản beta từ đội ngũ phát triển, bạn mà nhóm của bạn sẽ phải phân chia để trải nghiệm từng cấp độ của game từ khó đến dễ. Thậm chí game có bao nhiêu nhân vật đội ngũ game tester sẽ phải trải nghiệm từng đó nhân vật theo cái cách mà người chơi bình thường không thể tưởng tượng được.
Nhờ vào cách trải nghiệm khác với game thủ thông thường này, mà các game tester có thể phát hiện ra các lỗi trong game như là lỗi font chữ, lỗi hiệu ứng, nhân vật bị đơ, v.vv.. Sau đó, tester phải viết mô tả về các lỗi cùng với hướng dẫn cách tìm lỗi trong trò chơi. Bảng mô tả được gửi đến lập trình viên hoặc nhà phát hành để khắc phục lỗi.
Việc kiểm thử này không chỉ tập trung vào các lỗi kỹ thuật, quá trình testing còn phải tập trung vào trải nghiệm của người dùng thông thường. Giả rủ như trò chơi có chán quá không, trò chơi có khó quá không và nhân vật này có làm mất cân bằng meta game không?… Từ đó ta thấy được vai trò quan trọng của các nhân viên kiểm thử game.
Quy trình làm việc của game tester như thế nào?
Bất cứ công việc nào cũng cần chuẩn hóa một quy trình làm việc cơ bản, dưới đây là quy trình mà 1 game testing phải thực hiện:
Nhận dạng Game
Điều đầu tiên game tester phải nhận dạng và xác định được các quy tắc cũng như hành vi của game. Đây là bước làm quen với sản phẩm để bắt đầu xây dựng các tiêu chuẩn test game.
Functional test
Điều này cũng bao gồm kiểm tra tích hợp với các công cụ của bên thứ ba được sử dụng nếu có khi game tester không thể một mình đảm nhiệm.
Đa phần các game hiện nay sẽ được kiểm thử chức năng bằng phương pháp hộp đen nhằm xác định các chức năng của game có đang đi đúng spec hay không. Các liên kết hay công cụ hỗ trợ có hoạt động bình thường không. Vì phải kiểm tra khá nhiều vấn đề từ việc chơi đến đồ họa hay cả âm thanh. Vậy nên quy trình này tốn khá nhiều thời gian và đòi hỏi sự tập trung cao độ.
>>> Có thể bạn quan tâm: Functional testing là gì? Functional và Non functional testing khác nhau ở đâu?
Khả năng tương thích trên các thiết bị và hệ điều hành
Game cần phải được trải nghiệm thử trên mọi thiết bị, đối với game online thì sẽ được chơi thử ở trên các hệ điều hành khác nhau. Ở bước này, game tester sẽ kiểm tra từ những điều nhỏ nhặt nhất như giao diện, hình ảnh, âm thanh. Sau đó là độ ổn định trên từng hệ điều hành cũng như các trình duyệt đang được cung cấp.
Test hiệu suất của game
Những yếu tố mà game tester cần quan tâm là lưu ý tới hiệu suất tổng thể; thời gian đáp ứng trên máy khách (Client) và máy chủ (Server); mức tiêu thụ pin và hiệu suất đồ họa; kết nối mạng…
Test ở chế độ nhiều người
Đối với các game nhiều người chơi, bạn cần xử lý tình huống khi chơi nhiều người và đảm bảo cốt truyện của game được chia đều cho tất cả. Ở chế độ nhiều người chơi, vấn đề giật lag, quá tải game rất dễ xảy ra chính vì thế mà tester cần phải phát hiện và báo cáo lại nếu bugs phát sinh.
Báo cáo sau khi hoàn tất trải nghiệm
Báo cáo lỗi cho developer, đưa ra các bằng chứng lỗi cần được xuất và gửi qua hệ thống. Các lỗi được phát sinh cần phải được trình bày một cách dễ hiểu để giúp bộ phận phát triển nhanh chóng tìm cách khắc phục.
Phân tích
Nhiệm vụ sửa lỗi thuộc về đội ngũ phát triển thế nhưng ở góc độ là người trải nghiệm game, các game tester phải đưa ra đề xuất. Tất cả cần phải gắn liền với trải nghiệm người dùng nhằm mang đến sự hài lòng của khách hàng.
Trải nghiệm lại và xác minh các bugs 1 lần nữa
Tester sẽ có nhiệm vụ kiểm tra lại các lỗi trên nhiều nền tảng khác nhau. Đảm bảo lỗi sẽ không còn xuất hiện trong quá trình trải nghiệm của người chơi.
Thế mới thấy nhiệm vụ của game tester đâu chỉ đơn giản là chơi game và nhận tiền, mà còn phải có nhiều kỹ năng và nhiệm vụ khác.
Môi trường làm việc của game tester
Khác với các công việc kiểm thử khác, các tester khác có thể tham gia ngay từ giai đoạn phát triển của phần mềm. Game tester sẽ chỉ tham gia vào giai đoạn Acceptance testing để hoàn thiện sản phẩm. Chính vì thế mà các kiểm thử viên này không cần phải trực tiếp đến văn phòng mà có thể làm việc ở bất kỳ đâu. chỉ cần có một thiết bị hỗ trợ như máy tính. Điều quan trọng nhất là môi trường làm việc của các tester phải thoải mái và yên tĩnh để tập trung tối đa cho việc chơi game. Tuy nhiên, một khi tester đã tiếp nhận trò chơi thì phải tuân thủ nghiêm ngặt deadline. Vì nhà phát triển thường đặt ngày phát hành dự kiến cho trò chơi, nên các tester phải hoàn thành càng sớm càng tốt.
Với một số game đặc thù, khối lượng công việc vải thử nghiệm của game tester là rất nhiều và nó sẽ quyết định đến sự thành công của game khi phát hành.
Game MOBA số 1 thế giới trong vòng 10 năm qua – League of Legend, trò chơi bắt đầu vào tháng 4 năm 2009 trên phiên bản beta với 17 vị tướng, trải qua 6 tháng được kiểm thử trong quy trình nghiêm ngặt, các game tester của Riots đã giúp cho trò chơi thành công vang dội tại thị trường Bắc Mỹ và lan nhanh sang thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc… chỉ trong thời gian ngắn. Thế nhưng công việc của đội ngũ game tester sẽ không chỉ dừng lại ở giai đoạn trước phát hành. Trong 14 năm qua, số tướng của Liên Minh tăng từ 17 lên 163, 13 mùa giải cưa 3-4 tuần đội ngũ phát triển lại đưa ra 1 bản cập nhất mới. Và tất cả những sự thay đổi, cập nhật này đều cần được kiểm thử trên phiên bản BETA bởi các game tester để giữ được những trải nghiệm tốt nhất cho người chơi và sự cân bằng trong từng Meta game.
Mức lương trung bình mà 1 game tester có thể đảm nhận
Theo một thống kê từ VietNam Salary, mức lương trung bình trong ngành công nghệ thông tin là từ 10-20 triệu/tháng. Riêng với lĩnh vực kiểm thử, mức lương bình quân của một tester là 15 triệu, một game tester có mức lương là 14 triệu/ tháng thấp hơn một tester truyền thống.
Tuy nhiên số liệu trên chỉ là mức lương trung bình của công việc game tester. Mức thu nhập thực tế của nhân viên kiểm thử game còn phụ thuộc rất nhiều vào game được kiểm thử và sự thành công của game sau khi phát hành.
Mặc dù mức lương trung bình có thể thấp hơn so với ngành, nhưng nếu tester có đủ năng lực và kinh nghiệm thì việc sở hữu mức lương lên đến nghìn đô là chuyện bình thường.
6 kỹ năng để thành thành game tester hàng đầu
Như đã nói ở trên, năng lực và kinh nghiệm sẽ là những yếu tố để nâng cao giá trị của game tester. Trở thành một game tester đã khó, trở thành một game tester giỏi, lương nghìn đô lại càng khó hơn. Ngoài kiến thức testing và niềm đam mê với game, tester cần có những kỹ năng sau đây:
Kỹ năng chơi game
Chơi game thì ai cũng thích, chơi game mà lại kiếm được tiền thì lại càng thích hơn. Thế nhưng cái cách chơi game của các kiểm thử viên này không giống như các game thủ thông thường. Đối với đại đa số người chơi game thông thường, chơi là để giải trí, chơi là là phải vui phải chiến thắng. Thế nhưng dưới áp lực chơi là để tìm ra lỗi, Bạn phải chơi được đa dạng các thể loại trò chơi, từ game nhập vai, game chiến thuật, game hành động cho đến game học tập, game thể thao. Đồng thời, bạn phải chơi thành thạo trên các thiết bị điện tử khác nhau như máy tính, điện thoại, Playstation…
Kỹ năng quan sát
Kỹ năng này cung cấp góc nhìn đa chiều của game tester đối với trò chơi. Từ đó, tester có thể đưa ra đánh giá, nhận định về các vấn đề một cách tốt hơn và có hướng giải quyết nhanh chóng, tối ưu. Kỹ năng này đôi khi sẽ được tích lũy sau một thời gian làm việc, không cần đòi hỏi người kiểm thử phải có thiên bẩm.
Kỹ năng tìm kiếm
Các bugs trong game đôi khi không phải là thứ hiện hữu sẵn để người chơi có thể phát hiện ra. Chính vì thế khi trải nghiệm trò chơi, các game tester phải sử dụng linh hoạt các phương pháp tiếp cận khác nhau, không giống như các game thủ thông thường. Đồng thời sau khi đã tìm ra lỗi, game tester phải có cách mô tả lại các lỗi này tới đội ngũ phát triển khắc phục.
Kỹ năng phân tích
Đây là kỹ năng bắt buộc phải có trong quá trình game testing. Khi phát hiện được bugs của game kỹ năng phân tích sẽ giúp tester chia bug thành những phần nhỏ hơn và thực hiện phân tích từng yếu tố riêng lẻ. Các developers trong quá trình phát triển rất mong muốn nhận được những phản hồi về trò chơi của mình từ những trải nghiệm của người dùng để hoàn thiện tựa game.
Kỹ năng làm việc nhóm
Trong tất cả các công việc, kỹ năng làm việc nhóm đều là yếu tố quyết định đến sự hiệu quả trong công việc chung. Với một khối lượng công việc lớn mà game testing đòi hỏi, bạn không thể kiểm thử độc lập. Từng game tester phải cùng đội ngũ của mình có nhiều cách nhìn khác nhau về trò chơi, cũng như không bỏ sót bất kỳ lỗi nào trong game.
Kiên trì trong công việc
Chơi game giải trí thì dễ, coi game là một công việc mới thực sự là khó khăn và áp lực. Không những thế, bạn phải chơi trong nhiều giờ liên tục và chơi đi chơi lại một trò chơi. Nếu không có tính kiên trì, bạn sẽ nhanh chóng bỏ cuộc nửa chừng.
Trên đây Daotaotester đã cũng cấp cho bạn nhiệm vụ và vai trò của game tester là gì? Và những kỹ năng cần có để trở thành một game tester hàng đầu. Như vậy có thể thấy rằng nhân viên kiểm thử game không đơn thuần chỉ chơi game và nhận tiền mà còn cần rất nhiều kỹ năng khác và thực sự phải nghiêm túc với công việc để có được thành công trong nghề.